Cloud Server – máy chủ ảo đám mây chính là hạt nhân của mọi hệ thống Cloud Computing!
Tham khảo: Điện toán đám mây A-Z
Cloud Server hiện nay là cụm từ rất nhiều dịch vụ Hosting giá rẻ ở VN dùng để quảng cáo cho chất lượng VPS, Hosting. Nhưng sự thật thì sao?
Tìm hiểu Cloud Server, các mô hình và công nghệ áp dụng để triển khai máy chủ ảo đám mây, đặc biệt là các công nghệ ảo hóa sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về các dịch vụ Cloud Server và chất lượng của những nhà cung cấp Cloud Server, Cloud VPS trên thị trường.
Tìm hiểu Cloud Server – Cloud VPS AZ
Mục lục bài viết
- Tìm hiểu Cloud Server – Cloud VPS AZ
- a. Cloud Server là gì?
- b. Các loại dịch vụ Cloud Server
- c. Mô hình công nghệ triển khai Cloud Server
- d. Yêu cầu khi triển khai Cloud Server từ Server vật lý
- e. Phân biệt Cloud Server và Server – VPS truyền thống
- f. Các yếu tố quyết định sức mạnh của Cloud Server
- g. Các dịch vụ Cloud Server tốt nhất hiện nay
Cloud Server, hay Cloud VPS, đôi lúc bạn sẽ nhầm lẫn, chúng ta nên hiểu thế nào?
a. Cloud Server là gì?
Cloud Server là máy chủ ảo đám mây tạo thành từ hệ thống máy chủ vận hành trên mô hình điện toán đám mây – Cloud Computing.
Cloud Server là dịch vụ theo mô hình cung cấp hạ tầng đám mây – IaaS, bên cạnh dịch vụ lưu trữ đám mây Cloud Storage/ Cloud Backup.
Tham khảo:
Phân biệt các mô hình IaaS – PaaS & SaaS, Serverless
Diễn giải một cách ‘bình dân’ là thế này:
Mỗi đám mây điện toán bao gồm rất nhiều máy chủ vật lý (+ ở cứng lưu trữ vật lý), kết nối với nhau bằng các thiết bị mạng (ví vụ của Cisco) và hệ thống vật lý này được vận hành bằng các công nghệ (phần mềm) chuyên triển khai điện toán đám mây nhằm tạo ra các máy chủ ảo phục vụ cho việc lưu trữ và tính toán.
Các máy chủ ảo đám mây này (Cloud Server) được tạo ra và có thể di chuyển – linh hoạt mở rộng/ thu nhỏ tài nguyên – được sao lưu & có thể phục hồi tự động dễ dàng khi một máy chủ vật lý trên đám mây gặp sự cố.
b. Các loại dịch vụ Cloud Server
Cloud Server có thể được gọi với nhiều cái tên khác, tùy vào mục đích của gói dịch vụ mà các nhà cung cấp đưa ra: Cloud VPS, Cloud VPC, ….
Cloud VPS là gì?
Cloud VPS là viết tắt của Cloud Virtual Private Server, tức máy chủ ảo đám mây riêng.
VPS là máy chủ ảo riêng tạo ra từ máy chủ vật lý bằng các công nghệ ảo hóa phần cứng hoặc hệ điều hành (xem chi tiết về 2 công nghệ ảo hóa bên dưới). Chúng ta có thể tạm hiểu Cloud VPS là VPS được tạo từ hệ thống điện toán đám mây chứ không phải từ máy chủ vât lý như VPS truyền thống.
Vậy Cloud VPS cũng là Cloud Server, nhưng cung cấp dưới dạng dịch vụ VPS.
Virtual Private Cloud – VPC là gì
VPC là viết tắt của Virtual Private Cloud, tức đám mây riêng ảo, nó cũng là Cloud Server nhưng triển khai cho mạng nội bộ theo mô hình Private Cloud, dành cho các công ty, tổ chức muốn đưa hạ tầng IT truyền thống của mình lên mây.
VPC có thể được triển khai ngay trên cụm máy chủ vật lý của doanh nghiệp bằng các công nghệ Cloud Computing cần thiết (như VMware vSphere) hoặc thuê một Cloud Server từ một nhà cung cấp hạ tầng đám mây Public Cloud (như Amazon Web Services).
VPC triển khai các công nghệ đặc thù theo mô hình Private Cloud. Xem Private Cloud là gì?
Dịch vụ triển khai theo mô hình Private Cloud thường chỉ cung cấp hạ tầng và các công nghệ cần thiết, còn việc quản lý, vận hành do chính khách hàng chịu trách nhiệm, bên nhà cung cấp không can thiệp (trừ phi khách hàng cho phép).
Public Cloud là gì?
Public Cloud là mô hình dịch vụ điện toán đám mây công cộng, cho phép người dùng đăng ký sử dụng (free) hoặc mua các tài nguyên máy chủ, lưu trữ, mạng… mình cần và chi phí sẽ tính theo hình thức Pay As You Go (PAYG) – dùng bao nhiêu trả bấy nhiêu.
Amazon, Google, Aruze hay OVH Public Cloud đều cung cấp các gói dịch vụ Cloud Server theo mô hình Public Cloud, trong đó toàn bộ chi phí sẽ tính theo số tài nguyên bạn đã sử dụng như số CPU, lưu trữ, băng thông …
Public Cloud cũng cho phép bạn tự nâng cấp hoặc hạ cấp tài nguyên sử dụng tùy theo nhu cầu.
Và Public Cloud cung cấp hạ tầng dưới các hình thức VPC và VPS, ngoài ra nó còn cung cấp các dịch vụ dưới dạng hạ tầng + Platform (Platform as a Services – PaaS) ví dụ như những dịch vụ AWS Lambda, Google Function, ..
Tham khảo:
Phân biệt Public – Private & Hybrid Cloud
c. Mô hình công nghệ triển khai Cloud Server
Cloud Server cũng dùng các công nghệ như điện toán đám mây nói chung, nhưng tập trung theo mô hình IaaS, tức các công nghệ tối ưu cho mục đích cung cấp hạ tầng tính toán và lưu trữ đám mây.
Tham khảo Phân biệt IaaS – PaaS – SaaS & Others..
Các bước triển khai Cloud Server
Một đám mây được triển khai bằng sự kết hợp giữa Các công nghệ ảo hóa máy chủ + Các công nghệ triển khai điện toán đám mây.
1. Ảo hóa máy chủ vật lý
Bước đầu tiên của việc triển khai đám mây luôn là Ảo hóa các máy chủ vật lý, có 2 loại ảo hóa chính Ảo hóa dựa vào phần cứng & Ảo hóa dựa vào Hệ điều hành, hay gọi nhanh là Ảo hóa phần cứng & Ảo hóa phần mềm.
Hiểu về 2 loại ảo hóa này sẽ giúp bạn hiểu được cách vận hành của Các công nghệ triển khai điện toán đám mây:
Các loại Ảo hóa VPS – Cloud Server – Ưu & nhược điểm (đang cập nhật)
Sau khi ảo hóa máy chủ vật lý, chúng ta có thể cung cấp dịch vụ VPS truyền thống, còn để trở thành Cloud Server, cần có bước thứ 2 & 3.
Tham khảo Các công nghệ Ảo hóa VPS – Cloud Server
2. Triển khai đám mây
Bước thứ 2 chính là đưa các Máy chủ ảo này lên mây bằng Các công nghệ triển khai điện toán đám mây, thường có 3 chức năng chính:
- Compute Virtualization: ảo hóa tính toán, tức ảo hóa các tài nguyên CPU, RAM, … của các máy chủ vật lý
- Storage Virtualization: ảo hóa lưu trữ, kết kết hệ thống ổ cứng vật lý rồi sau đó ảo hóa – phân chia – cấp phát dưới dạng ở cứng lưu trữ đám mây
- Network Virtualization: ảo hóa hạ tầng mạng, nhằm đáp ứng được việc linh động cấp phát – quản lý – lưu trữ tài nguyên compute & storage trên toàn bộ hệ thống đám mây
Ngoài ra còn có các giải pháp thêm vào cho tính năng bảo mật, tường lửa, tương thích để có thể đồng bộ – sáp nhập các hệ thống Cloud Server với nhau…
3. Vận hành & quản lý đám mây
Bước thứ 3 – Các công nghệ triển khai điện toán đám mây thực hiện việc khởi tạo – cấp phát & phân tán, duy chuyển, sao lưu & phục hồi các tài nguyên này dưới dạng Cloud Server.
Các công nghệ này thường mỗi nhà cung cấp sẽ triển khai riêng, hoặc dùng các giải pháp Phần mềm có sẵn được trình bày ngay bên dưới!
Các phần mềm triển khai Cloud Server phổ biến
Các tập đoàn lớn như Amazon, Google, Microsoft, IBM… dùng các giải pháp riêng của họ để triển khai mô hình điện toán đám mây và cung cấp các dịch vụ IaaS.
Đối với các doanh nghiệp nhỏ hơn, hay người dùng cá nhân có các nhóm phần mềm chuyên dụng để triển khai đám mây nhanh chóng!
Các phần mềm này được mô tả là Cloud Computing Software for creating, managing, and deploying Infrastructure Cloud Services: Phần mềm điện toán đám mây để khởi tạo, quản lý, và triển khai Dịch vụ Hạ tầng Đám mây (Cloud Server, Cloud Storage).
Trong thị trường công nghệ, các phần mềm này được gọi là Software-defined data center – viết tắt là SDDC hay Virtual Datacenter – VCD. Các phần mềm này giúp triển khai nhanh một hạ tầng máy chủ – lưu trữ – mạng qui mô nhỏ thành một Datacenter thực sự thay vì phải setup phức tạp như các Cụm Datacenter truyền thống.
Chúng có thể là Open Source, miễn phí như OpenStack, Apache CloudStack… hoặc là phần mềm thương mại, trả phí VMWare vSphere, Virtuozzo.. và chúng giúp các doanh nghiệp, dịch vụ IaaS triển khai Điện toán đám với qui mô cụm máy chủ nhỏ, tiết kiệm chi phí!
Ngoài việc triển khai đám mây từ cụm máy chủ vật lý, một số còn hỗ trợ triển khai đám mây trên các máy ảo đám mây (Instances, Container..) của những dịch vụ lớn như AWS EC2, MS Azure, Google Compute Engine.
(*) Không có công nghệ chung để triển khai điện toán máy chủ ảo trên chính máy chủ ảo. Việc OpenStack hỗ trợ triển khai trên Google Compute Engine hay Virtuozzo trên AWS EC2….là cá biệt, giải pháp riêng dành cho các dịch vụ Cloud Server lớn của Google, Amazon, …
OpenStack
OpenStack là công nghệ ra đời với sự hợp tác giữa NASA và Rackspace, và trở thành một dự án mã nguồn mở miễn phí.
OpenStack hỗ trợ các công nghệ ảo hóa dự trên phần cứng KVM, XEN, VMware… và cũng có thể kết nối làm việc với phương thức ảo hóa dựa trên hệ điều hành như LXC, Virtuozzo..
Hiện nay được đầu tư bởi hầu hết các tập đoàn công nghệ lớn Google, Huawei, Cisco, … cả VMware cũng đầu tư vào. OpenStack nhanh chóng trở thành công nghệ IaaS phổ biến và phát triển nhanh nhất trên thế giới.
Ví dụ dịch vụ Public Cloud của OVH hay Cloud Computing của DreamHost, Godaddy .. đều triển khai trên OpenStack.
VMware vSphere
VMware là tập đoàn lớn nhất thế giới chuyên về công nghệ ảo hóa, trước khi Cloud Computing bùng nổ, VMware cũng là ‘anh cả’ trong thị trường ảo hóa truyền thống.
VMWare dùng các công nghệ hỗ trợ full-virualization (fz), ảo hóa dựa trên phần cứng tương tự các công nghệ XEN, KVM hay Hyper-V của Microsoft.
vShere là một bộ các phần mềm thương mại của VMware, cho phép triển khai dịch vụ IaaS nhanh chóng. Chi phí cho vSphere từ $1000 -> vài chục $/ năm.
VMware vSphere chủ yếu cho việc triển khai IaaS cho doanh nghiệp, ít nhà cung cấp VPS hay Hosting dùng vShphere vì nó không phải là giải pháp kinh tế cho các Cloud Datacenter lớn.
Ở VN, các nhà cung cấp Cloud Server như Viettel IDC, Long Van IDC thông tin họ dùng vSphere để triển khai Cloud Server.
VMware cũng cung cấp dịch vụ IaaS của họ dựa vào vSphere là vCloud.
Virtuozzo
Virtuozzo là sản phẩm thương mại phát triển dựa trên OpenVZ (free), dùng giải pháp ảo hóa trên hệ điều hành tương tự LXC (Linux Container) hay Docker, cung cấp các máy ảo dưới dạng Container.
Hiện phiên bản mới nhất là Virtuozzo 7.
Virtuozoo là một nền tảng (phần mềm thương mại) giúp triển khai nhanh IaaS với chi phí rẻ, tối ưu cho các doanh nghiệp cung cấp IaaS qui mô nhỏ, hay doanh nghiệp muốn ‘lên mây’ nhưng chi phí có hạn.
Các nhà cung cấp Cloud Server bình dân thường triển khai trên Virtuozzo vì nó cần khá ít tài nguyên máy chủ vật lý – ổ cứng – thiết bị mạng.
Hệ thống đám mây của Virtuozzo có thể triển khai trên vài máy chủ vật lý, họ cũng hỗ trợ triển khai đám mây trên Máy chủ ảo của AWS EC2 (EC2 Instances).
Các phần mềm triển khai Cloud Server khác
Nhiều suite công nghệ cho IaaS khác như Apache CloudStack, OpenNebula, OpenShift, OnApp…
d. Yêu cầu khi triển khai Cloud Server từ Server vật lý
Để tự triển khai Cloud Server trên cụm máy chủ vật lý thì cần các yếu tố sau:
- Ít nhất hai.. mà thường thì nhiều máy chủ vật lý và các ổ cứng mạng
- Thiết bị mạng (Network Hardware) để kết nối các máy chủ – ổ cứng và kết nối với mạng Internet công cộng
- Triển khai công nghệ ảo hóa máy chủ & ‘đám mây’ trên hệ thống , ví dụ ảo hóa XEN + các công nghệ của Amazon, KMV + công nghệ của Google, KVM + OpenStack, hay KVM + VMware, Viruozoo 7,…
- Một hoặc nhiều kỹ sư hoặc kỹ thuật viên mạng lành nghề để vận hành, theo dõi, quản lý – bảo trì toàn bộ hệ thống.
Việc đầu để tự setup một hệ thống Cloud Server cần kinh phí cả cả phần cứng – công nghệ & đội ngũ chuyên gia triển khai – vận hành. Với các dịch vụ Hosting nhỏ lẻ , tự triển khai theo mô hình Cloud Computing không dễ dàng.
e. Phân biệt Cloud Server và Server – VPS truyền thống
Vì triển khai theo mô hình Cloud Computing nên Cloud Server sẽ khác với Server hay máy chủ ảo (VPS) truyền thống ở những ưu điểm – đặc tính của Điện toán đám mây:
Tính sẵn sàng cao (High Available)
Đây là yếu tố quyết định Cloud Server có thể up-time 100% bất chấp các sự cố trên máy chủ vật lý.
VHW tự diễn giải cho dễ hiểu, tức khi áp dụng công nghệ ảo hóa theo mô hình điện toán đám mây, thì mỗi máy chủ ảo đám mây (Cloud Server) sẽ không bắt buột nằm cố định trên bất kỳ máy chủ vật lý riêng lẻ nào, nó có thể được di chuyển (tự động) từ máy chủ vật lý này sang máy chủ vật lý khác dễ dàng.
Do đó các sự cố riêng lẻ trên một số máy chủ vật lý thì Cloud Server lập tức được chuyển đến (hoặc phục hồi từ bản sao lưu) một máy chủ vật lý khỏe mạnh khác trên đám mây.
Phân tán dữ liệu – An toàn dữ liệu cao
Data được phân tán trên toàn bộ Cloud Storage (ổ cứng đám mây) chứ không cố định ở một ở cứng vật lý nào trên hệ thống, do đó khi một ở cứng vật lý gặp sự cố, dữ liệu vẫn có thể phục hồi nhanh chóng trên các ổ cứng khác
Cân bằng tải (Load Balance)
Có sự phối hợp nhịp nhàn, chia ngọt sẻ bùi giữa các máy chủ trên toàn đám mây, tức sẽ không có tình trạng một máy chủ vật lý ‘cày quá sức’ còn một máy khác ngồi rung đùi uống cà phê.
Đơn giản vì các tài nguyên cấp phát cho máy chủ ảo đám mây không gắn chặt với một máy chủ vật lý cố định nào trong hệ thống đám mây.
Cấp phát tài nguyên động
Quản trị của hệ thống đám mây có thể tăng giảm tài nguyên cấp đã cấp cho một máy chủ ảo (Cloud VPS/ Cloud Server) một cách dễ dàng mà không phải tạm ngừng hoạt động của máy chủ ảo đó.
Và khi một Cloud VPS cần thêm tài nguyên, có thể dễ dàng huy động thêm tài nguyên nhàn rỗi của một số máy chủ trong hệ thống, không bị giới hạn khả năng nâng cấp như VPS truyền thống.
Quản lý dễ dàng
Quản trị của hệ thống máy chủ đám mây sẽ không cần quản lý hoạt động hay phần mềm trên từng nút (máy chủ vật lý) vì các công nghệ đã triển khai đảm bảo các nút này hoạt động ăn ý với nhau.
Khả năng mở rộng ‘vô hạn’
Có thể bổ sung thêm các máy chủ vật lý (nút) hoặc một đám mây vào một đám mây khác… chỉ cần có sự đồng bộ về công nghệ triển khai.
Pay as you go (PAYG)
PAYG – tức là dùng bao nhiêu trả bấy nhiêu, các công nghệ Cloud Computing, nhờ vào khả năng cấp phát và phân phối tài nguyên, sẽ tính toán giá dựa vào lượng tài nguyên bạn sử dụng thay vì tính phí cố định theo cách truyền thống (dùng hay không cũng phải trả tiền).
Một ví dụ đơn giản như cách tính phí theo giờ của VPS Vultr hay Linode, DigitalOcean… nếu bạn xóa VPS, tức không còn chiếm dụng tài nguyên máy chủ, lưu trữ & mạng đám mây, thì không trả phí nữa.
f. Các yếu tố quyết định sức mạnh của Cloud Server
Cũng là Cloud, nhưng qui mô mỗi đám mây (máy chủ vật lý – ở cứng – hạ tầng network) và công nghệ áp dụng, trình độ quản lý – vận hành mới quyết định chất lượng của Cloud Server.
Tài nguyên máy chủ – lưu trữ của đám mây
Tổng tài nguyên vật lý của máy chủ & ở cứng trên hệ thống đám mây.
Sức mạnh của mỗi đám mây phụ thuộc rất lớn vào chất lượng – số lượng của máy chủ vật lý và ổ cứng vật lý bạn có.
Số lượng máy chủ & ở cứng vật lý nhiều sẽ giúp quá trình phân tán dữ liệu, duy chuyển – phục hồi máy chủ ảo được nâng cao. Chưa kể khả năng mở rộng – cấp phát thêm tài nguyên cho máy chủ ảo được tốt hơn.
Ví dụ bạn chỉ có 3 máy chủ vật lý trên đám mây, thì khi có sự cố 1 máy chủ, bạn chỉ còn 2 lựa chọn để phục hồi máy chủ ảo đám mây. Rất hạn chế so với việc có đến 5 – 10 máy chủ vật lý.
Hạ tầng mạng & Network Connection
Các thiết bị mạng và công nghệ dùng để kết nối cụm máy chủ, ổ cứng vật lý đóng vai trò then chốt đối với sự ổn định và tốc độ cấp phát tài nguyên của một đám mây. Hiện nay phần cứng và công nghệ Network thường trên Datacenter ở VN là bộ đôi Cisco + NetApp, kết hợp với công nghệ ảo hóa VMware vSphere.
Yếu tố thứ 2 chính là chất lượng kết nối Internet từ đám mây ra bên ngoài. Dù là Public hay Private Cloud thì việc truy cập Cloud Server từ xa phải luôn đảm bảo.
Hệ thống đám mây setup từ các máy chủ vật lý & ổ cứng đặt ở văn phòng công ty bạn thì chất lượng network connection khác xa nếu triển khai trên cụm máy chủ đặt ở Datacenter chuẩn quốc tế Tier 3 của Viettel IDC hay FTP IDC…
Một yếu tố nữa thậm chí còn quan trọng hơn và hạ tầng cáp quang biển. Cái này thì VN mình còn lâu lắm mới đạt được cấp độ cao nhất!
Hiện nay các nhà cung cấp IaaS lớn như Google, Alibaba, AWS, MS Aruze,… đều triển khai các tuyến cáp quang xuyên lục địa của riêng mình để nâng cao hiệu quả truyền tải. Các nhà cung cấp nhỏ hơn như Vultr, DigitalOcean, Linode… cũng đầu tư thuê các đường truyền tốc độ cao.
Vì hạ tầng mạng chính là hạ tầng giao thông của Data trên Cloud Computing, bạn có thể có siêu xe nhưng nó sẽ vô dụng nếu đi trên đường bờ ruộng.
Ở VN, khi nào còn tiếp diễn việc đứt cáp liên miên & lố bịch như hiện nay thì Cloud Server triển khai ở các Datacenter VN dù có đầu tư tốt đến đâu cũng không thể cạnh tranh được với AWS, Google Engine, Vultr, Linode… trên thị trường quốc tế.
Các công nghệ áp dụng để triển khai Cloud Server
Có khá nhiều nền tảng công nghệ để triển khai hệ thống đám mây IaaS như đã giới thiệu. Từ giải pháp nổi tiếng OpenStack, nền tảng thương mại số 1 vSphere của VMware, hay giải pháp giá rẻ Virtuozzo 7 của Virtuozzo.
Công nghệ dùng triển khai IaaS cũng ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng của Cloud Server.
Ví dụ Cloud Server của Google, với ảo hóa tài nguyên vật lý KVM, hay Amazon với ảo hóa XEN sẽ mạnh mẽ hơn VPS ảo hóa hệ điều hành (kiểu OpenVZ) triển khai bằng Virtuozzo 7.
Trình độ setup và vận hành hệ thống của đội ngũ kỹ thuật
Việc tự triển khai hệ thống Cloud Server từ cụm máy chủ & ổ cứng vật lý không chỉ đòi hỏi tiền bạn đầu tư cho nền tảng công nghệ mà quan trọng hơn yêu cầu trình độ của đôi ngũ setup – vận hành và quảng lý.
Ngay cả giải pháp giá rẻ Virtuozzo 7, cũng cần kỹ sư hoặc kỹ thuật viên hệ thống có kinh nghiệm và chuyên môn tốt để setup & vận hành.
Trình độ setup và vận hành chính là yếu tố quyết định để các dịch vụ cao cấp như Google Engine, Amazon EC2, hay trung cấp Vultr, OVH, DigitalOcean, Linode.. khẳng định chất lượng và uy tín trên thị trường so với hàng trăm dịch vụ Cloud Server nhỏ lẻ khác.
Tài nguyên cấp phát cho các gói dịch vụ
Đây là vấn đề lớn của các dịch vụ Cloud VPS giá rẻ trên thế giới mà đặc biệt là ở VN.
Các hosting ở VN thường nổi tiếng là ‘yếu ớt’ vì thói quen tối ưu lợi nhuận bằng cách:
- Hạ giá thành thật thấp để cạnh tranh và tăng doanh số, thu hút khách hàng
- Tạo ra thật nhiều gói VPS trên một lượng tài nguyên nhỏ nhằm giảm thiểu chi phí đầu tư
Cái lợi của cách tiếp cận ‘khôn lỏi’ này là khi khách hàng thấy rẻ mua dịch vụ, sau đó không dùng được (hoặc dùng quá cực khổ) quyết định bỏ luôn. thì phần tài nguyên bị bỏ lại đó tiếp tục bán cho các khách hàng mới!
Với các dịch vụ này, cách duy trì duy nhất là thu hút khách hàng mới, không mong chờ gì ở việc gia hạn hoặc đăng ký thêm từ các khách hàng cũ với chất lượng quá tệ như vậy!
Vì sao Mây của em quá yếu?
Rất nhiều các dịch vụ Hosting, VPS trong và ngoài nước quảng cáo là Cloud Server… nhưng chất lượng kém, đặc biệt tình trạng down-time diễn ra thường xuyên.
Có 2 nguyên nhân của tình trạng Cloud Server bạn mua quá lởm:
- Một là tự phong cloud để cho bằng anh bằng em, trong khi vẫn dùng công nghệ VPS truyền thống với máy chủ vật lý riêng lẻ và máy chủ thì kém chất lượng hoặc nhét quá nhiều gói VPS (dùng ảo hóa OS – OpenVZ) trên cùng một máy chủ.
- Hai là có triển khai theo mô hình Cloud Computing, nhưng qui mô cụm máy chủ quá nhỏ, rồi dùng công nghệ ảo hóa trên hệ điều hành với phần mềm Virtuozzo và chia quá nhiều gói VPS trên một cụm mấy chủ trong khi tài nguyên vật lý hạn chế (tương tự Linux Container)
g. Các dịch vụ Cloud Server tốt nhất hiện nay
- Cao cấp thì có Amazon Web Services EC2, Google Compute Engine GCE, Azure Cloud Windows Server, Rackspace OpenStack Cloud Server…
- Trung cấp thì có OVH Public Cloud, Vultr Cloud Dedicated Server, Managed Kubernetes của DigitalOcean… đây là các gói có tài nguyên lớn, phù hợp cho nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp, tổ chức nhờ tài nguyên lớn.
- Phổ thông có các gói Cloud VPS của Vultr, DigitalOcean, Linode, OVH, Ramnode (đều triển khai Cloud Computing) hay ở VN có các gói Cloud Server của Viettel IDC..
- Bình dân: rất nhiều dịch vụ như CloudVPS của AZDIGI, GreenCloudVPS và nhiều dịch vụ Cloud VPS ở VN… chất lượng của các gói VPS này phụ thuộc vào uy tín của nhà cung cấp . Hầu hết đều kém hơn VPS Vultr, Linode hay DigitalOcean, OVH…
Với WordPress, nhu cầu bình thường chỉ cần dùng các dịch vụ Cloud VPS phổ thông là đủ:
Tham khảo: Top dịch vụ VPS tốt nhất 2019
Tham khảo: Đánh giá VPS AZDIGI – Dịch vụ VPS tốt nhất VN
Kết luận
Điện toán đám mây – Cloud Computing với Cloud Server là một sự nâng cấp hoàn toàn so với mô hình máy chủ vật lý cũ, về hiệu năng – sự ổn định – tính sẵn sàng & linh hoạt và an toàn dữ liệu.
Tuy nhiên, qui mô đám mây, công nghệ áp dụng, trình độ kỹ thuật… mới là yếu tố chính quyết định chất lượng thực sự của Cloud Server.
Vì vậy, khi chọn thuê Máy chủ ảo đám mây cho công ty, hoặc cho nhu cầu cá nhân, chúng ta hãy ưu tiên chọn các dịch vụ uy tín đã được khẳn định như Google Engine, AWS EC2, MS Aruze hay ở phân khúc giá tốt hơn là Cloud Server của OVH, Vultr VPS, Digital Ocean, Linode…
Cuối cùng là chủ đề về Cloud Hosting, các công nghệ, mô hình, cũng như nhận diện những dịch vụ thực sự là Cloud hay chỉ là nhân danh Cloud!
Cloud Hosting là gì? Quảng cáo & Sự thật
Have fun!
cảm ơn ad đã chia sẻ, em mua gói cloud hosting mà giờ mới hiểu rõ